Xây đoạn nối thuộc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Đề xuất VEC huy động vốn đầu tư

(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nghiên cứu và huy động nguồn vốn hợp pháp để đầu tư Dự án Xây dựng đoạn từ nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành. Kiến nghị này dựa trên những lý do nào?
Bộ GTVT đánh giá, doanh thu hoạt động tài chính từ các dự án của VEC đảm bảo được khả năng trả nợ các khoản VEC đã huy động. Ảnh: Đinh Quang Tuấn
Bộ GTVT đánh giá, doanh thu hoạt động tài chính từ các dự án của VEC đảm bảo được khả năng trả nợ các khoản VEC đã huy động. Ảnh: Đinh Quang Tuấn

2.977 tỷ đồng cho 13 km đường cao tốc

Dự án Xây dựng đoạn từ nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đoạn cao tốc này có chiều dài 13 km, tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe, với bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế là 80km/h, tổ chức giao cắt khác mức với đường ngang. Công trình trên tuyến gồm cầu vượt nút giao, cống chui dân sinh, cống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông…

Theo tính toán, tổng vốn đầu tư dự kiến của đoạn cao tốc nêu trên là khoảng 2.977 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu đáp ứng tối thiểu là 447 tỷ đồng, vốn vay là 2.530 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sẽ từ năm 2018 đến năm 2021. Phương thức tài chính dự kiến là hình thức thu kín, mức thu 1.500 đồng/Pcu/km, bắt đầu thu năm 2021, điều chỉnh 3 năm 1 lần với mức là 12%. Thời gian hoàn vốn là 19 năm.

Đánh giá về sự cần thiết đầu tư, Bộ GTVT cho rằng, khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2019 thì đoạn nối giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Bến Lức - Long Thành là yếu tố then chốt để phát huy hiệu quả khai thác của hai cao tốc này. Nếu chưa được đầu tư kịp sẽ gây ra ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 51.

Khả năng của VEC đến đâu?

Về lý do đề xuất VEC tham gia Dự án, Bộ GTVT cho hay, VEC là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có kinh nghiệm trong quản lý đầu tư xây dựng, vận hành các tuyến đường cao tốc. Mặt khác, VEC là DN 100% vốn nhà nước, do đó lợi nhuận thu từ dự án này sẽ được VEC nộp ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định đối với DNNN.

Câu chuyện đặt ra là năng lực tài chính của VEC hiện nay ra sao? Theo Văn bản số 2393/TTg-KTTH ngày 30/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương điều chỉnh vốn điều lệ của VEC đến năm 2019 là 72.602 tỷ đồng và giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quyết định cụ thể việc điều chỉnh và hướng dẫn hạch toán tăng vốn theo quy định. Hiện VEC đang đề nghị bổ sung 14.243 tỷ đồng từ số vốn ODA giải ngân cho các dự án của VEC đã được quyết toán đến hết năm 2013 là 9.774 tỷ đồng và vốn NSNN cấp đối ứng cho các dự án của VEC đến hết năm 2015 là 4.469 tỷ đồng. Số vốn này sẽ được điều chỉnh tăng hàng năm trên cơ sở giá trị quyết toán vốn NSNN được Quốc hội thông qua đến năm 2019 đạt 72.602 tỷ đồng.

Đối với vốn chủ sở hữu, Báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2016 xác định, nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm cả lợi nhuận chưa phân phối sau khi trừ đi các khoản nợ phải trả và khoản đầu tư tài chính dài hạn còn khoảng 8.092 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn điều lệ của VEC được Nhà nước giao và tự bổ sung từ lợi nhuận sau thuế là 1.005 tỷ đồng. Nguồn vốn này trước đây đã sử dụng 800 tỷ đồng để đầu tư Dự án Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đến nay đã thu hồi toàn bộ và sử dụng 168 tỷ đồng để đầu tư trụ sở VEC, mua sắm tài sản cố định. Như vậy, theo Bộ GTVT, nguồn vốn điều lệ còn lại chưa sử dụng là 837 tỷ đồng.

Hiện VEC quản lý vận hành 415 km tuyến đường cao tốc gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tổng doanh thu thu giá các tuyến đường cao tốc của VEC từ khi khai thác đến nay đạt 6.811 tỷ đồng. Đáng chú ý, hiện nay toàn bộ dòng tiền hoạt động kinh doanh các dự án còn dư VEC đang chỉ gửi với lãi suất có kỳ hạn trung bình là 2,5%/năm và thực tế khoản dư này sử dụng chưa hiệu quả. Theo đánh giá, tại thời điểm hiện tại, doanh thu hoạt động tài chính từ các dự án của VEC đảm bảo được khả năng trả nợ các khoản VEC đã huy động để đầu tư cho các dự án theo cơ cấu nguồn vốn đầu tư.

Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng, với khả năng tài chính và cân đối dòng tiền các dự án VEC đang đầu tư hiện nay, VEC đủ khả năng huy động vốn chủ sở hữu tối thiểu đảm bảo theo yêu cầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư

TCT36 tiếp
PVI
VCB
Gia Long
Hưng Long
Thí nghiệm điện miền Bắc
Quang Minh
Phu Dien Right Partner
Công ty 622 lần 2
PC1
Thanh Tuấn
Hưng Việt 2022 - 2023
Tu Lap Partner tiếp
Liên Thành
Sinh Hùng
Pleiku
Nguyên Bình
Cienco4
Baidu
map