Kết cấu hạ tầng là một nút thắt lớn đối với sự phát triển của TP.HCM. Ảnh: Nhã Chi |
Giải bài toán chi đầu tư phát triển
Lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM cho biết, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ giao dự toán tổng chi ngân sách địa phương là 69.368 tỷ đồng, đồng thời chỉ đạo chi ngân sách phải tiết kiệm, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách.
Thực tế cho thấy, tổng chi ngân sách địa phương trong năm 2015 của Thành phố khá hạn hẹp, với 57.208 tỷ đồng (đạt 104,75% dự toán), trong đó chi đầu tư phát triển là hơn 30.065 tỷ đồng (đạt 140,65% dự toán cân đối từ ngân sách).
Về vấn đề chi đầu tư xây dựng cơ bản (không kể vốn ODA), ông Tạ Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, trong năm 2015, nguồn cân đối từ thuế cho chi đầu tư ở TP.HCM (sau khi trả nợ gốc và lãi vay) chỉ là 10.259 tỷ đồng, đáp ứng được khoảng 29% nhu cầu vốn đầu tư của các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn (khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng).
Để bổ sung nguồn chi đầu tư phát triển, trong năm 2015, TP.HCM đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương và phấn đấu tăng thu, nhất là khai thác nguồn thu từ đất. Nếu tính cả vốn ODA thì tổng chi đầu tư phát triển trong năm vừa qua của TP.HCM là 23.377 tỷ đồng, đạt 93,85% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đó, trong năm 2015, Thành phố đã có 117 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư là 12.482 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực giao thông (13 công trình), chống ngập nước (12 công trình), giáo dục đào tạo (46 công trình), y tế (7 công trình)...
Thành phố cũng thực hiện 2 đợt điều chỉnh vốn, giảm vốn của các dự án có tiến độ giải ngân thấp với tổng số tiền giảm là 3.222 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các dự án đã có khối lượng nhưng chưa được bố trí đủ vốn và điều chỉnh tăng 7.792 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.
Trong vấn đề chi ngân sách của TP.HCM, theo giới chuyên gia, lý tưởng nhất là phải được tương xứng với tỷ lệ GDP mà TP.HCM đóng góp cho cả nước. Điều nghịch lý ở chỗ nhiều địa phương không có nguồn thu ngân sách nộp về cho Trung ương nhưng lại có mức chi ngân sách cao hơn rất nhiều nếu so với TP.HCM vốn có nguồn thu đóng góp rất lớn cho ngân sách Trung ương.
Một điểm cần lưu ý, nhằm tạo điều kiện cho Thành phố tăng nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, mới đây UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ thưởng cho Thành phố hơn 10.000 tỷ đồng vì đã đạt thành tích vượt thu ngân sách năm 2015.
Sắp xếp các dự án trọng tâm
Trong vấn đề chi ngân sách cho đầu tư phát triển tại TP.HCM trong thời gian tới, một chuyên gia kinh tế cho rằng, nút thắt lớn nhất mà TP.HCM cần tháo gỡ là kết cấu hạ tầng, gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, tức tri thức và khoa học công nghệ. Nếu có nguồn chi tiêu dồi dào, TP.HCM nên nâng cấp và đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng cứng để tạo sự kết nối tốt, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Và chỉ có đầu tư cho khoa học công nghệ, tri thức thì mới có thể giúp TP.HCM bứt phá lên được.
Nhưng tựu trung lại, để chuẩn bị tốt việc triển khai Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017) và xây dựng dự toán ngân sách Thành phố cho thời kỳ ổn định 2017 - 2020, lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM cho rằng, cần xây dựng tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên, chi sự nghiệp ngân sách Thành phố theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đúng định mức hiện hành, bao quát nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai bố trí vốn hiệu quả và tiết kiệm theo quy định, nhất là Công văn số 8123/BKHĐT-TH ngày 23/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2016.
Nhiệm vụ đặt ra của ngành tài chính TP.HCM hiện nay là cần sớm sắp xếp các dự án đầu tư có trọng tâm, tránh dàn trải để bố trí kế hoạch vốn, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án cấp bách và các công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2016; xây dựng Danh mục công trình ưu tiên tập trung trong giai đoạn 2016 - 2020.
Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Tạ Quang Vinh cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung xử lý các khoản nợ tạm ứng ngân sách, thanh quyết toán các công trình, dự án, thu hồi vốn để bổ sung nguồn chi đầu tư phát triển. Các biện pháp chế tài đối với các chủ đầu tư không nộp hồ sơ quyết toán cũng sẽ thực hiện nghiêm. Hơn nữa, sẽ không giao dự án đầu tư mới cho các chủ đầu tư có dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 24 tháng trở lên.