TP.HCM không để nhà thầu chờ mặt bằng

(BĐT) - Với 7 nhóm dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông cùng hàng chục dự án quy mô lớn triển khai trong năm 2020, TP.HCM đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, không để nhà thầu thiếu mặt bằng sạch thi công, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.
Năm 2020, TP.HCM sẽ khởi công 27 dự án giao thông mới và hoàn thành đưa vào sử dụng 29 dự án được xây dựng từ năm 2018 tới nay. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2020, TP.HCM sẽ khởi công 27 dự án giao thông mới và hoàn thành đưa vào sử dụng 29 dự án được xây dựng từ năm 2018 tới nay. Ảnh: Lê Tiên

Năm triển khai nhiều dự án giao thông lớn

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM thống kê, năm 2020, TP.HCM sẽ khởi công xây dựng 27 dự án giao thông mới, bên cạnh đó cũng sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 29 dự án được xây dựng từ năm 2018 tới nay để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng của Thành phố.

Theo đó, trong năm nay, TP.HCM sẽ phấn đấu đưa vào sử dụng 81 km đường bộ và 18 cây cầu, đẩy mật độ đường giao thông lên đạt 2,2 km/km²; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cam kết, năm 2020, các dự án giao thông sẽ phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao, đảm bảo chất lượng và sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích.

Với những kế hoạch và cam kết nêu trên, năm 2020 sẽ là năm triển khai đồng loạt các dự án giao thông lớn của TP.HCM với hàng trăm gói thầu xây lắp có giá trị sẽ được công bố mời thầu rộng rãi.

Gỡ nút thắt mặt bằng, về đích đúng tiến độ

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, năm 2020, Ban sẽ triển khai 7 nhóm dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông: Nhóm các dự án, công trình góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và khu vực Cảng Cát Lái; nhóm các dự án, công trình góp phần khép kín Vành đai 2, xây dựng Vành đai 3 và các đường cao tốc liên vùng (trước mắt là tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài); nhóm các dự án, công trình nhằm mở rộng các cửa ngõ Thành phố, các trục giao thông nối kết liên vùng; nhóm các dự án, công trình nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nội thị; nhóm các công trình nạo vét luồng đường thủy, kè bờ và nạo vét luồng Soài Rạp; nhóm các công trình chỉnh trang kênh rạch, thu gom, xử lý nước thải lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ; nhóm các dự án, công trình góp phần phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.
Ngay từ cuối năm 2019, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đặt mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành 53 dự án bao gồm nhiều dự án quan trọng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước như: Nâng cấp, mở rộng cầu chữ Y; xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2), huyện Nhà Bè; cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện mặt đường tuyến vành đai phía Đông (đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc), Quận 2; Xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương... Tổng mức đầu tư của 53 dự án này là hơn 17.755 tỷ đồng. Đây đều là những công trình đang được chủ đầu tư, nhà thầu dồn toàn lực để thi công ngay từ những ngày đầu năm 2020.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, ách tắc lớn nhất trực tiếp kéo giảm tiến độ thi công và tỷ lệ giải ngân các dự án giao thông chính là những vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng. Để đảm bảo hoàn thành các kế hoạch đề ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu tập trung thi công, ban này kiến nghị, khâu mặt bằng phải được xử lý triệt để, đúng kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố sẽ chỉ đạo, đôn đốc UBND, ban bồi thường giải phóng mặt bằng các quận, huyện, các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng. Đồng thời, TP.HCM cũng ưu tiên sớm triển khai quy trình mới về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh công tác này tại các dự án hạ tầng trọng điểm.

“Chủ tịch UBND các quận, trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng các quận/huyện sẽ là người chịu trách nhiệm trực tiếp với Thành phố khi để xảy ra chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng. Với những dự án giao thông quan trọng góp phần giải bài toán ách tắc cho Thành phố, phải quyết liệt từng khâu, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng. Năm 2020, không để xảy ra tình trạng nhà thầu mỏi mòn chờ mặt bằng sạch để thi công, hoặc thi công cầm chừng”, ông Võ Văn Hoan khẳng định.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư

TCT36 tiếp
PVI
VCB
Gia Long
Quang Minh
Phu Dien Right Partner
Công ty 622 lần 2
Thanh Tuấn
Hưng Việt 2022 - 2023
Tu Lap Partner tiếp
Liên Thành
Sinh Hùng
Cienco4
Baidu
map