Quảng Nam quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 72/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.

Quảng Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9 - 9,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 37,5 - 37,8%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 36 - 37,0%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 16,2 - 17,0%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hoá đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hoá thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển của Quảng Nam là hoàn thiện hệ thống hạ tầng.

Cụ thể, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược như giao thông liên vùng Đông - Tây, cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng trọng yếu của khu vực nông thôn, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục.

Lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trọng tâm, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, động lực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên với hệ thống giao thông đồng bộ; liên kết vùng và quốc tế thông suốt; hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch ven biển sinh thái, hiện đại; hạ tầng nông thôn cải thiện rõ nét, hạ tầng nông nghiệp phát triển bền vững.

Nâng cao chất lượng đô thị hóa ở cả các đô thị hiện hữu và đô thị mới. Từng bước giảm áp lực cho đô thị cổ Hội An trên cơ sở phát triển không gian đô thị vùng Đông thị xã Điện Bàn và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình; phát triển mạnh thành phố Tam Kỳ trên cơ sở tổ chức sáp nhập hợp lý không gian với huyện Núi Thành, liên kết phát triển với các khu vực xung quanh.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá phát triển nữa của Quảng Nam là nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, phát huy tiềm năng, vai trò có tính động lực, lợi thế cạnh tranh của Khu kinh tế mở Chu Lai; tiềm năng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang; mở rộng và hình thành thêm các khu công nghiệp tại các vị trí thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và của vùng. Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp cơ khí, tự động hóa, chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng.

Tổ chức lại và nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản, công nghiệp dệt may, da giày; phát triển thêm các ngành công nghiệp mới như công nghiệp điện tử, sản xuất vật liệu mới, công nghiệp silica, công nghiệp dược liệu. Phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới như: du lịch sự kiện, hội nghị, thể thao, du lịch nông thôn, miền núi; phát triển mạnh các khu du lịch ven biển, ven sông với đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí, điều trị, chăm sóc sức khỏe.

Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó khuyến khích các loại hình kinh tế tập thể liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm ổn định vùng nguyên liệu cho chế biến sâu; phát triển mạnh về số lượng và chất lượng các sản phẩm OCOP gắn với hoạt động khởi nghiệp. Hình thành một số cụm liên kết ngành trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch, nông nghiệp với một số doanh nghiệp lớn làm hạt nhân, các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh làm vệ tinh.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, thu hút, quản lý dự án đầu tư nước ngoài; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.

Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, trong đó với ngành công nghiệp, Quảng Nam sẽ phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt. Thúc đẩy phát triển Dự án Trung tâm Điện khí miền Trung gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tạo động lực phát triển mới cho Tỉnh và Vùng.

Ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghiệp công nghệ cao tại khu vực đồng bằng để thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, tự động hóa, giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn.

Đổi mới công nghệ, phát triển hợp lý, bền vững các ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến silica, may mặc, thời trang, đồ uống, hàng tiêu dùng, công nghiệp bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm gỗ. Đầu tư các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi để phát triển các ngành công nghiệp gắn với giải quyết lao động, nguyên liệu tại chỗ; hạn chế tiếp nhận các ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm.

Với ngành thương mại, dịch vụ và du lịch, Quảng Nam sẽ phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, giữ vai trò chủ đạo; hình thành trung tâm logistics, vận tải đa phương thức; phát triển Cảng hàng không quốc tế Chu Lai và hệ thống cảng biển Quảng Nam gắn với các khu phi thuế quan, khu công nghiệp; xây dựng trung tâm logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang phục vụ hàng hóa từ Thái Lan, Lào vào Việt Nam và ngược lại.

Nâng cao chất lượng thương mại, dịch vụ khu vực nông thôn, miền núi; đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia sản xuất tại Quảng Nam, đồng thời với đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam chất lượng cao. Hình thành mạng lưới chợ, siêu thị văn minh, an toàn tại các trung tâm cấp huyện, xã, đồng thời với đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử. Phát triển dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng hiện đại. Dịch vụ thông tin liên lạc, vận tải hàng hóa, chuyển phát nhanh đáp ứng yêu cầu phát triển; nâng cấp, đổi mới các hình thức vận tải công cộng.

Khai thác không gian thiên nhiên - văn hóa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các Di sản văn hoá thế giới Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, tài nguyên biển, đảo, sông, hồ, núi rừng, các di tích lịch sử, văn hóa và đặc trưng con người Xứ Quảng; trọng tâm là phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, sự kiện, hội nghị, chăm sóc sức khỏe...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư

TCT36 tiếp
PVI
VCB
Gia Long
Quang Minh
Phu Dien Right Partner
Công ty 622 lần 2
Thanh Tuấn
Hưng Việt 2022 - 2023
Tu Lap Partner tiếp
Liên Thành
Sinh Hùng
Cienco4
Baidu
map