Tín dụng chính thức sẽ chủ động đến với người dân. Ảnh: Tường Lâm |
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhu cầu tín dụng của người dân hiện tại rất lớn nhưng chưa thể tiếp cận nhiều với ngân hàng. Nhiều người nghĩ đến ngân hàng là thấy rất khó khăn, nhiều thủ tục. Trong khi đó lại có nhiều người lợi dụng chuyện khó khăn, hiểu biết chưa đầy đủ của bà con để phát triển tín dụng đen, cho vay với lãi suất "cắt cổ".
“Thực tế, các thủ tục vay vốn ngân hàng rất đơn giản, dễ dàng, lãi suất thấp nếu bà con có nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh chính đáng (chứ không phải vay để ăn chơi, lô đề, cờ bạc)”, ông Đào Minh Tú chia sẻ.
Nhu cầu vay chính đáng phục vụ cuộc sống là rất cần thiết, Đảng, Chính phủ và hệ thống ngân hàng cũng xác định sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu chính đáng này. Tuy nhiên, khi có ý định vay vốn, mong người dân hãy đến ngân hàng hỏi thủ tục, cách thức, lãi suất…
Về định hướng chính sách, theo ông Đào Minh Tú, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Ông Tú cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở thôn, xã nắm được cuộc sống của bà con, hỗ trợ xác nhận nhân thân của bà con. Nếu tất cả cùng vào cuộc sẽ thành công trong việc giúp người dân tiếp cận tín dụng chính thức, đẩy lùi tín dụng đen.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khó có thể loại trừ hoàn toàn hiện tượng tín dụng đen. Thời điểm hiện nay càng dễ phát sinh thêm nhiều trường hợp phải vay tín dụng đen bởi nhiều người gặp khó khăn do dịch bệnh và lũ lụt. Do đó, trong thời gian tới, các gói hỗ trợ tài chính cho người dân dựa trên các khảo sát thực tế về thực trạng khó khăn là cần thiết.
“Thực tế, tín dụng đen đã “chui” vào từng lối xóm, ngõ ngách để chào mời. Phía ngân hàng, tín dụng chính thức cũng sẽ chủ động đến với bà con - điều này sẽ thành chỉ thị của ngành ngân hàng, tuyên truyền, phát tờ rơi để bà con nắm thông tin về các khoản vay”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh và cho biết, ngành ngân hàng cam kết thủ tục đơn giản, thuận lợi, song với điều kiện thiện chí từ cả phía người vay: lần đầu thì phải chứng minh để quen biết, nếu vay xong trả đúng hạn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, thì những lần sau, ngân hàng sẽ cho vay rất nhanh chóng.
Từ phía cơ quan công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong thời đại công nghệ số, các đối tượng cung cấp tín dụng đen sử dụng các phần mềm, công nghệ để mở rộng địa bàn hoạt động tín dụng đen, cũng một phần xuất phát từ nhu cầu vay vốn không thế chấp, hai là một bộ phận thanh thiếu niên vay vốn sử dụng không chính đáng.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành mong muốn tín dụng cần tập trung vào 3 giảm, đó là giảm thời gian, chi phí và giấy tờ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn tín dụng; chính quyền, công an cơ sở phải hỗ trợ để bảo đảm an ninh tín dụng, phát triển bền vững.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, khó có thể loại trừ hoàn toàn hiện tượng tín dụng đen tại các nền kinh tế, đặc biệt ở các nước nghèo và các nước đang phát triển như Việt Nam. Thời điểm hiện nay tại Việt Nam càng dễ phát sinh thêm nhiều trường hợp phải vay tín dụng đen bởi nhiều người gặp khó khăn do dịch bệnh và lũ lụt.
“Do đó, trong thời gian tới, các gói hỗ trợ tài chính cho người dân dựa trên các khảo sát thực tế về thực trạng khó khăn là cần thiết. Mặt khác, cần tiếp tục có những chương trình tuyên truyền về các thủ đoạn của tín dụng đen, giáo dục tài chính thường xuyên, tạo điều kiện vay vốn thuận lợi hơn để giảm hiện tượng tín dụng đen”, ông Hiếu nói.