Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Dự thảo được đánh giá là quy định chặt chẽ về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất. Theo cơ quan soạn thảo, quy định chặt chẽ nhằm tránh việc các chủ đầu tư/bên mời thầu lạm dụng gây khó khăn cho nhà thầu.
Việc nhà thầu đủ năng lực bị bên mời thầu loại “có chủ đích” chỉ vì giấy phép bán hàng là một thực trạng gây bức xúc trong đấu thầu hiện nay. Khi mở cửa thị trường cho các nước thành viên CPTPP, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là phải bảo đảm cạnh tranh, bên mời thầu không được đưa các điều kiện gây khó khăn cho nhà thầu. Chính vì vậy, Dự thảo Thông tư đưa ra những quy định rõ ràng về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất.
Theo đó, đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất, bên mời thầu không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.
Đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế và các dịch vụ liên quan khác, trong HSMT có thể yêu cầu nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp một trong 4 tài liệu chứng minh. Các tài liệu đó là: giấy phép hoặc giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất, hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. Các yêu cầu này phải được nêu chi tiết trong HSMT để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT).
Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư cũng quy định trường hợp nhà thầu, vì một lý do nào đó, không đính kèm một trong 4 tài liệu trên trong HSDT theo yêu cầu của HSMT thì HSDT của nhà thầu vẫn được tiếp tục xem xét, đánh giá và được xét duyệt trúng thầu.
“Việc nhà thầu không đính kèm giấy phép hoặc giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương theo yêu cầu của HSMT không phải là lý do loại nhà thầu”, Dự thảo Thông tư quy định. Trường hợp trúng thầu, nhà thầu phải xuất trình các tài liệu này trước khi trao hợp đồng và chịu trách nhiệm về tính chính xác của những tài liệu, thông tin do mình cung cấp.
Cũng theo Dự thảo Thông tư, trường hợp trong nội dung giấy phép hoặc giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất, hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu của HSMT, bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu làm rõ các nội dung này để có đầy đủ thông tin phục vụ việc đánh giá HSDT, trao hợp đồng.
Trường hợp các nhà sản xuất, các đại lý, nhà phân phối trong lãnh thổ Việt Nam cố tình không cung cấp cho nhà thầu giấy phép bán hàng hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương mà không có lý do chính đáng, không tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại và cạnh tranh, dẫn đến tạo lợi thế hoặc tạo sự độc quyền cho nhà thầu khác, nhà thầu có thể phản ánh đến Bộ Công Thương để kịp thời xử lý.
Một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho rằng, không phải đến Dự thảo Thông tư nói trên mới có quy định về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất, mà vấn đề này đã được pháp luật về đấu thầu quy định. Song Dự thảo Thông tư quy định kỹ hơn về vấn đề giấy phép bán hàng của nhà sản xuất. “Khi quy định rõ ràng như vậy thì chủ đầu tư/bên mời thầu sẽ “hết đường” gây khó khăn đối với nhà thầu, bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu cạnh tranh, công bằng”, chuyên gia này nhận xét.
Đồng tình với nhận xét này, một số nhà thầu chuyên cung cấp hàng hóa cho rằng, hướng dẫn rõ ràng như vậy sẽ tạo điều kiện cho những nhà thầu làm ăn chân chính cung cấp được hàng hóa một cách thuận lợi; còn các chủ đầu tư mua được hàng hóa có chất lượng với xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải hàng hóa trôi nổi…