Gói thầu số 02 Thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Xây dựng trung tâm hành chính huyện Đông Anh có giá 542,943 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Gói thầu có giá 542,943 tỷ đồng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 2 - 20/7/2024, do Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý xây dựng DSC làm bên mời thầu. Trước đó, theo phản ánh của nhà thầu, một số tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật tại HSMT chưa thực sự bảo đảm cạnh tranh, phù hợp các quy định pháp luật liên quan. Cụ thể, tại tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, HSMT yêu cầu nhà thầu đề xuất bộ máy tổ chức công trường, trong đó đối với vị trí chỉ huy trưởng công trình, bên cạnh các điều kiện hành nghề chỉ huy trưởng quy định tại Điều 74 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, HSMT còn yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng; chứng chỉ nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy (PCCC); chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động - vệ sinh môi trường (ATLĐ - VSMT). Trong khi đó, HSMT đã quy định các nhân sự chuyên trách để đảm nhận phụ trách công tác PCCC và ATLĐ - VSMT. Việc HSMT đưa ra các yêu cầu về chứng chỉ, chứng nhận mà pháp luật quản lý ngành không quy định, là yếu tố dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Cũng tại nội dung đề xuất bộ máy tổ chức công trường, HSMT yêu cầu nhà thầu đề xuất sử dụng ≥ 70% công nhân lao động hoặc tối thiểu 50 công nhân lao động trực tiếp đã qua đào tạo và có chứng chỉ nghề ≥ 3 năm (nộp kèm theo danh sách nhân sự, căn cước công dân, bằng cấp, chứng chỉ liên quan). Theo nhà thầu, việc yêu cầu kê khai chứng chỉ, tài liệu liên quan của đội ngũ lao động này ngay tại bước lập HSDT là phương án khó, có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh.
Ngoài ra, theo phản ánh, tại nội dung đánh giá về cách thức quản lý dự án, HSMT yêu cầu toàn bộ nhân sự trong bộ máy tổ chức công trường (cán bộ phụ trách thi công công trình dân dụng; cán bộ phụ trách thi công công trình giao thông; cán bộ phụ trách thi công hạ tầng kỹ thuật; cán bộ phụ trách thi công công trình cấp thoát nước; cán bộ phụ trách thi công điện hoặc tự động hóa...) đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án từ 3 năm trở lên. Một vài vị trí trong số đó còn yêu cầu có thêm chứng chỉ hành nghề giám sát trong lĩnh vực tương ứng... Đây là các dạng chứng chỉ, chứng nhận mà pháp luật quản lý ngành đều không có quy định bắt buộc đối với những vị trí này.
Trong khi đó, theo chuyên gia đấu thầu, mẫu HSMT xây lắp ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn, tiêu chuẩn đánh giá về nội dung quản lý dự án được hiểu là cách thức, biện pháp, tổ chức quản lý của nhà thầu đối với dự án đang dự thầu, không phải yêu cầu của tổ chức thực hiện quản lý dự án. Do đó, việc HSMT quy định toàn bộ nhân sự của nhà thầu thi công phải có chứng chỉ nghiệp vụ về quản lý dự án là không phù hợp. Cũng theo vị chuyên gia, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng không có quy định bắt buộc nhân sự trực tiếp tham gia thi công phải có các chứng chỉ hành nghề giám sát. Vì vậy, việc thêm vào HSMT các dạng chứng chỉ, chứng nhận mà pháp luật quản lý ngành không quy định là yếu tố hạn chế cạnh tranh.
Liên quan đến công nhân, lao động phổ thông, đây là những nhân sự không chủ chốt trong gói thầu. Trong quá trình thực hiện, nhà thầu chịu trách nhiệm huy động, thay đổi, bổ sung trên cơ sở biện pháp kỹ thuật thi công được đề xuất trong HSDT. Việc HSMT yêu cầu cụ thể về tài liệu định danh, chứng chỉ, bằng cấp tại bước dự thầu sẽ làm khó nhà thầu.
Biên bản mở thầu ngày 20/7/2024 ghi nhận, nhà thầu duy nhất nộp HSDT là Liên danh Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico) - Công ty TNHH Thang máy và Thiết bị Nam Long - Công ty CP VN Hoàng Long - Công ty CP Tư vấn công nghệ và Kỹ thuật điện Đại Dương - Công ty CP Thương mại đầu tư phát triển công nghệ Việt - Công ty TNHH Điện lạnh và Thiết bị công nghiệp Tân Thanh. Ngày 8/8/2024, Liên danh được phê duyệt trúng thầu với giá 533,158 tỷ đồng.