Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 10,07% |
Nguyên nhân được Tổng cục Thống kê lý giải là do trong tháng có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương, Long An, Trà Vinh) thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế bước 2 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,5%).
Ngoài ra, nhóm giao thông tăng 2,02% do giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào các thời điểm 05/10/2016 và 20/10/2016 (làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 4,14%, tác động làm CPI chung tăng 0,17%). Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Giáo dục tăng 0,61%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,67% do có 8 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang) thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,06%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%; bưu chính viễn thông giảm 0,12%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2016 tăng 4,00% so với tháng 12/2015 và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm nay tăng 2,27% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.
Lạm phát cơ bản tháng 10/2016 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,86% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.