Thị trường UPCoM đang phát triển khá nhanh chóng |
Theo đó, thị trường Pre-UPCoM sẽ giúp tạo ra thanh khoản cho cổ phiếu sau IPO, vừa hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thực chào bán cổ phiếu lần đầu, trong khi với nhà đầu tư, điều này đã giải quyết được một “khúc xương” tồn tại nhiều năm nay khi nhà đầu tư mua xong cổ phiếu, nhưng không có chỗ để giao dịch, mua bán.
Theo ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX, về nguyên tắc, việc tổ chức thị trường của Pre-UPCoM cũng sẽ được thực hiện tương tự như thị trường UPCoM. Trong phương án IPO của doanh nghiệp, HNX sẽ tư vấn cho doanh nghiệp lựa chọn một mã chứng khoán để đưa ngay vào hồ sơ IPO. Theo đó, sau khi hoàn tất việc nộp tiền thì cổ phiếu ngay lập tức được phép giao dịch. Trong trường hợp nếu doanh nghiệp chưa kịp lựa chọn mã chứng khoán, HNX vẫn có thể hỗ trợ bằng cách cấp cho cổ phiếu đó một mã giao dịch tạm thời để cổ phiếu vẫn có thể giao dịch bình thường ngay sau khi IPO. “Đây là những nỗ lực tăng thêm để cổ phiếu có thanh khoản ngay khi IPO, sau đó việc doanh nghiệp chọn đưa cổ phiếu lên UPCoM hay niêm yết trên thị trường chính thức sẽ tùy thuộc vào lựa chọn của doanh nghiệp sau này”, ông Phong nói.
HNX cho biết, ngoài việc tổ chức thị trường Pre-UPCoM, cơ quan này cũng đang tiếp tục thực hiện các giải pháp khác, nhằm tăng sức hút của thị trường UPCoM. Một trong những động thái nữa là việc thực hiện phân bảng thị trường UPCoM.
Động thái này của HNX diễn ra trong bối cảnh thị trường UPCoM đang phát triển khá nhanh chóng. Trong năm 2015, số doanh nghiệp đăng ký giao dịch mới trên UPCoM cao gấp hơn 2 lần so với năm 2014. Đến thời điểm 31/12/2015, có 256 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM với số lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch đạt hơn 5 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị đăng ký giao dịch 50.485 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2014.
“Quân số” sàn UPCoM sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian và có thể ngay trong năm 2016, số lượng doanh nghiệp trên sàn UPCoM có thể sẽ vượt cả sàn chứng khoán niêm yết. Trong khi đó, trên sàn UPCoM hiện cũng có không ít doanh nghiệp lớn thuộc hàng “có đai có đẳng” đang ẩn mình trên UPCoM mà không phải nhà đầu tư nào cũng nắm được. Theo đó, HNX sẽ dựa trên các chỉ số tài chính của các doanh nghiệp để phân loại doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư nhìn nhận dễ dàng hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu. Đại diện HNX cho biết, việc phân loại này cũng nhằm mục đích khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc quản trị và công bố thông tin theo chuẩn mực cao hơn, phù hợp với mức độ đánh giá của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp đó.
Rõ ràng, những động thái hiện nay cho thấy thị trường UPCoM đang chuyển mình một cách mạnh mẽ, HNX cho rằng, với hệ thống hiện nay, HNX hoàn toàn có thể đáp ứng được việc vận hành của UPCoM với quy mô có thể lên tới hàng ngàn doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2016, HNX cũng đã áp dụng cách tính mới cho chỉ số UPCoM Index. Theo đó, chỉ số UPCoM Index được tính toán theo phương pháp tính giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của tất cả các cổ phiếu đăng ký giao dịch lớn hơn hoặc bằng 5%.
Chỉ số UPCoM Index mới có công thức tính toán tương đồng với chỉ số HNX Index hiện tại. Thay vì tính gộp tất cả những cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, cách tính mới cho chỉ số UPCoM Index chỉ sử dụng những cổ phiếu sẵn sàng giao dịch trên thị trường, loại bỏ được những cổ phiếu không được phép giao dịch như: cổ phiếu do Nhà nước nắm giữ, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, cổ phiếu của cổ đông sáng lập hay của nhà đầu tư chiến lược trong thời kỳ bị hạn chế chuyển nhượng... Cách tính này phản ánh chính xác hơn tính thanh khoản và tình hình giao dịch của các cổ phiếu.