Hình thức “tín dụng đen” núp dưới ứng dụng cho vay tiền xuất hiện khá phổ biến. Ảnh: Nhã Chi |
Bộ Công an cho biết, bên cạnh các app cho vay tiền chính thống hoạt động công khai, minh bạch, đã xuất hiện hình thức “tín dụng đen” núp dưới ứng dụng cho vay tiền, cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Cơ quan công an đã từng triệt phá nhiều đường dây cho vay qua app với lãi suất lên đến trên 1.000%/năm.
Cơ quan công an khuyến cáo, khi vay tiền qua app, để bảo đảm quyền lợi cũng như hạn chế những rắc rối có thể xảy ra, người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…), mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…
Theo luật sư Hoàng Thị Thanh Hoa, Hãng Luật LPVN, có thể phân nhóm chủ thể của hoạt động cho vay thông qua app, qua mạng làm hai nhóm. Một là nhóm hoạt động cho vay của các ứng dụng thuộc quản lý của các tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Hai là nhóm hoạt động cho vay dân sự do các bên tự thỏa thuận với nhau (có thể là ủy quyền, hỗ trợ vay vốn hoặc dịch vụ hỗ trợ tài chính, tùy cách ứng dụng đặt tên).
Đối với nhóm thứ nhất, các tổ chức tín dụng hoặc cá nhân, tổ chức được tổ chức tín dụng ủy quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về cho vay và thu hồi nợ.
Cụ thể, Thông tư 18/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định: “Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật”.
Còn hoạt động cho vay dân sự do các bên tự thỏa thuận với nhau thuộc nhóm hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động cho vay tín dụng và cần phải xử lý nghiêm khắc. Có hai vấn đề mấu chốt cần xác định để tiến hành xử lý nhóm đối tượng này.
Một là, về nguyên tắc, các bên có quyền thỏa thuận nhưng không được trái với quy định pháp luật và đạo đức xã hội. Việc bên cho vay áp đặt mức lãi suất cao, không tuân thủ các quy định chuyên ngành về vay - cho vay dù người vay đồng ý thì giao dịch này không phù hợp với quy định.
Hai là, không khó để cơ quan chức năng xác định hành vi vi phạm trong việc thu hồi nợ theo kiểu “xã hội đen” của các đơn vị chủ quản của app. Khi có khiếu nại của người dân về việc bị quấy rối liên tục hay đe dọa, cơ quan chức năng cần can thiệp để xem xét xử lý hành chính. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần mạnh tay áp dụng chế tài hình sự với các nhóm đối tượng lợi dụng công nghệ cho vay nặng lãi với mô hình tín dụng vi mô này.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, cho vay ngang hàng, vay qua app nếu hoạt động nghiêm túc sẽ góp phần triệt tiêu tín dụng đen. Tuy nhiên, để mô hình này phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn, có chế tài, hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, cung cấp thông tin đầy đủ cho người vay và cả nhà đầu tư vào các ứng dụng.
“Chỉ khi nào có quy định xử lý cụ thể thì tín dụng đen dưới vỏ bọc cho vay qua app mới chấm dứt hoạt động hoặc rút lui khỏi thị trường. Sự chậm trễ trong việc quản lý hình thức cho vay này có thể gây nên rủi ro hệ thống và sự bất ổn cho kinh tế - xã hội”, ông Đức nhấn mạnh.