Ông Lương Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Huy Toàn
Điều này khiến nhà thầu rất bức xúc, bởi sự chậm trễ, né tránh trách nhiệm trong xử lý kiến nghị của nhà thầu không chỉ làm mất thời gian, chi phí, mà còn mất cả cơ hội trúng thầu của các nhà thầu.
Mới đây, chúng tôi đã phải có văn bản kiến nghị lần 2 lên cấp có thẩm quyền ở TP. Hà Nội với mong muốn cơ quan chức năng giải quyết kiến nghị về gói thầu cung ứng và lắp đặt thiết bị. Lý do là nhà thầu từng gửi nhiều kiến nghị đến chủ đầu tư, nhưng không nhận được phản hồi hoặc nếu có cũng phản hồi rất chậm trễ. Trong khi đó, pháp luật về đấu thầu quy định rõ, chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu. Chuyện các văn bản kiến nghị quá thời hạn mà chủ đầu tư/bên mời thầu không trả lời kiến nghị là thường xuyên diễn ra.
Trước đó, chúng tôi cũng tham gia lựa chọn nhà thầu một gói thầu mua sắm thiết bị điều hòa phục vụ công tác tại một đơn vị. Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, chúng tôi đã 2 lần có văn bản kiến nghị gửi chủ đầu tư về những bất thường trong quá trình lựa chọn nhà thầu cũng như kết quả lựa chọn nhà thầu, nhưng chúng tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ chủ đầu tư.
Tương tự, ở gói thầu khác tại tỉnh Quảng Ninh, Công ty có văn bản kiến nghị gửi chủ đầu tư đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu (HSMT), song chúng tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Nhà thầu cũng đã liên hệ với cán bộ của bên mời thầu đề nghị làm rõ HSMT nhưng họ né tránh trả lời. Cuối cùng, hồ sơ dự thầu của Công ty bị loại do không đáp ứng được yêu cầu…
Để không còn tình trạng trên, chúng tôi mong rằng, các cấp có thẩm quyền sớm có giải pháp, giám sát chặt hơn trách nhiệm của các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhằm tăng hiệu lực của pháp luật về đấu thầu, từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện niềm tin của nhà thầu.