Bình Dương sẽ khởi công Vành đai 3 TP.HCM vào 15/6 và hoàn thành năm 2026
Ngày 28/5, đại diện cơ quan chức năng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan đang khẩn trương thực hiện các bước pháp lý để khởi công xây dựng Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn Tỉnh.
Đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn trùng với Mỹ Phước Tân Vạn ở Bình Dương |
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tổng mức đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM qua Bình Dương là 19.280 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây lắp là hơn 5.750 tỷ đồng, còn lại là kinh phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư.
Về bố trí vốn cho Dự án, Bình Dương được giao 8.807 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương cho các dự án thành phần đường Vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn Tỉnh. Phía tỉnh Bình Dương cũng đã bố trí được gần 8.000 tỷ đồng cho Dự án.
Về pháp lý, tại Bình Dương, Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt.
Về lựa chọn nhà thầu, đến nay đã có thông báo thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán, đang triển khai phát hành hồ sơ mời thầu xây lắp 2 gói thầu.
Đối với Dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 1.500 trường hợp, trong đó có 518 trường hợp phải tái định cư. Đơn vị chức năng đã điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm gần như đã hoàn thành đối với các hộ dân liên quan.
Đến nay, tỉnh Bình Dương đã phê duyệt giá đất bồi thường qua các địa phương. Hiện một số nơi đang bàn giao mặt bằng. Dự kiến 70% mặt bằng toàn tuyến sẽ được bàn giao trong tháng tới, còn lại sẽ tiếp nhận trong thời gian tiếp theo.
Như vậy đến nay, các bước pháp lý cho Dự án qua Bình Dương gần như đã hoàn thành, trong đầu tháng 6/2023 tiếp tục lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn, bảo hiểm.
Tỉnh Bình Dương đang đốc thúc các đơn vị, tập trung nguồn lực để đảm bảo tiến độ dự kiến ngày 15/6/2023 sẽ khởi công Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương.
Hải Phòng sắp có thêm 2.530 căn nhà ở xã hội
UBND TP. Hải Phòng khởi công dự án nhà ở xã hội hơn 1.600 tỷ đồng với 2.530 căn hộ ở khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, ngày 28/5.
Phối cảnh hơn 2.500 căn nhà xã hội sẽ được xây ở khu công nghiệp Tràng Duệ. |
10 tòa chung cư cao 15 tầng được xây dựng trên diện tích hơn 31.000 m2, mỗi căn rộng 26 - 68 m2. Thời hạn sử dụng công trình theo thiết kế là 80 năm. Dự án đầu tư đồng bộ đường giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, vườn hoa cây xanh.
Dự án Khu đô thị - Dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ do Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Theo quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, TP. Hải Phòng được giao chỉ tiêu giai phát triển 33.500 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, Thành phố đã chuẩn bị các điều kiện để phát triển gần 47.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2026 - 2030, vượt xa chỉ tiêu trên.
Trước đó đầu tháng 3, TP. Hải Phòng đã khởi công dự án nhà ở xã hội gần 4.900 tỷ đồng tại Tổng kho 3 Lạc Viên, quận Ngô Quyền.
5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả tăng đột biến
Kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ Trung Quốc tăng mua số lượng lớn.
Đây là năm đầu tiên sau 3 năm đại dịch các mặt hàng như thanh long, sầu riêng, xoài, mít được Trung Quốc mua nhiều nhất |
Thông tin trên được nêu trong báo cáo mới nhất của Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Malaysia có mức tăng trưởng mạnh nhất. Riêng Trung Quốc mua rau quả của Việt Nam đạt 805 triệu USD, chiếm 59% về thị phần (năm ngoái chiếm 53%).
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, những tháng đầu năm, dù bị cạnh tranh với hàng Thái Lan, Campuchia, Philippines, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt vẫn bứt phá.
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nguyên nhân giúp rau quả tăng trưởng mạnh là nhờ Trung Quốc, Mỹ tăng mua. Đây là năm đầu tiên sau 3 năm đại dịch, các mặt hàng như thanh long, sầu riêng, xoài, mít được Trung Quốc mua nhiều nhất.
"Nửa cuối năm, xuất khẩu rau quả sẽ rất khả quan nếu nắm bắt tốt yêu cầu thị trường Trung Quốc theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP). Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay có thể trên 4 tỷ USD. Con tàu rau quả Việt sẽ tăng tốc trong năm nay và các năm về sau", ông Nguyên dự báo.
Hà Nội chi hơn 850 tỷ đồng hỗ trợ người thất nghiệp
Trong 5 tháng đầu năm nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho gần 30.400 trường hợp với số tiền hơn 850 tỷ đồng.
Nhân viên tư vấn các thủ tục cho người lao động |
Số liệu trên được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội thông tin về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác việc làm - an toàn lao động 5 tháng đầu năm.
Theo báo cáo, trong 5 tháng đầu năm, TP. Hà Nội giải quyết việc làm mới cho gần 86.000 lao động. Trong đó, có gần 2.000 người được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc; tự tạo việc làm và qua tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn Thành phố là hơn 55.000 lao động.
Cũng theo đánh giá, số lao động được tạo việc làm mới trong 5 tháng đầu năm có xu hướng giảm so với năm 2022. Nguyên nhân là do sự tác động từ xung đột Nga - Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao,… dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn.
Theo dự báo, tình trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là đối với doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ…, khiến các công ty phải sản xuất cầm chừng.
Phương án giảm ùn ứ khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất
Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ vừa đề xuất phương án đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Ùn ứ khu vực đường Trường Sơn - đoạn phía trước sân bay Tân Sơn Nhất. |
Theo đó, về việc kết nối giao thông từ nhà xe TCP ra đường Trường Sơn, Cảng vụ Hàng không miền Nam (HKMN), Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất và Công ty CP Đầu tư TCP (đơn vị đang vận hành khai thác nhà xe TCP) đã thống nhất chủ trương mở thêm 2 làn xe từ nhà xe TCP kết nối vào đường A1.
Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ kiến nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị Cảng vụ HKMN, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sớm thống nhất phương án chi tiết gửi Sở GTVT xem xét, thông qua trước khi thực hiện.
Ngoài ra, theo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, việc lắp đặt camera tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là hết sức cần thiết. Từ đó sẽ cung cấp thông tin kịp thời cho người tham gia giao thông và giúp lực lượng chức năng sớm điều tiết, phân luồng giao thông…
Dự kiến từ năm 2023 - 2024, khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được lắp mới 17 camera quan sát giao thông để xử phạt nguội và 8 bảng quảng báo điện tử nhằm tăng cường thêm công tác tuyên truyền, hướng dẫn giao thông cũng như công tác phục vụ phân luồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cũng đề xuất phương án tổ chức giao thông tổng thể khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm áp lực trên đường Trường Sơn, các nút giao thông xung quanh khu vực sân bay.
Cụ thể, đối với đường Trường Sơn và khu vực các tuyến đường lân cận, triển khai thực hiện phương án cấm xe Sơ mi rơ moóc lưu thông trên 6 tuyến đường (Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Phan Thúc Duyện, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi).
Đối với khu vực Trường Chinh - Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ và các tuyến đường lân cận, trước mắt, thực hiện phương án kéo giảm nguy cơ ùn tắc giao thông trên đường Trường Chinh theo hướng đóng khoảng mở dải phân cách tim đường trên đường Trường Chinh tại giao lộ Trường Chinh - Âu Cơ, Trường Chinh - Tân Sơn Nhì, Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý và báo cáo Sở GTVT trong tháng 5/2023.
Hàng trăm cảnh sát đột kích 3 công ty 'tín dụng đen' ở Sài Gòn
Hơn trăm cảnh sát đồng loạt ập vào khám xét 3 công ty núp bóng dịch vụ cầm đồ, hoạt động cho vay lãi nặng thông qua web tamo.vn, findo.vn, thu lợi hơn 4.000 tỷ đồng.
Cảnh sát khám xét nơi ở của các bị can |
Ngày 28/5, Công an TP.HCM bắt tạm giam Nguyễn Thị Tuyết Sương (Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Digital Credit); Trương Tuấn Tài (Giám đốc Công ty TNHH Fincap VN) cùng 7 người là Trưởng phòng, Trưởng bộ phận, Trưởng nhóm hai công ty trên và Công ty TNHH Sofi Solutions về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Trước đó, sau thời gian dài lập chuyên án, hơn trăm người thuộc Công an TP.HCM đã đồng loạt khám xét 3 công ty hoạt động "tín dụng đen" núp bóng doanh nghiệp; bắt nhiều người, thu giữ hàng loạt tài liệu chứng cứ. Hiện, hành vi cụ thể của các bị can chưa được công bố do vụ án còn mở rộng điều tra.
Cơ quan điều tra xác định, công ty Digital Credit; Fincap VN, Sofi Solutions cùng một hệ thống điều hành với hơn 100 nhân viên, núp bóng dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính để hoạt động cho vay lãi nặng thông qua trang web tamo.vn và findo.vn. Những cá nhân, lãnh đạo các công ty liên tiếp quảng cáo, tuyển dụng nhân viên để chào mời, tìm kiếm người vay, mở rộng hoạt động.
Cơ quan chức năng cáo buộc, từ tháng 4/2019 đến nay, 3 công ty đã giải ngân cho vay hơn 2 triệu lượt vay, tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng, thu lợi hơn 4.100 tỷ. Lãi suất những nơi này thấp nhất là 153%, có thể lên đến hơn 1.200% mỗi năm - gấp hàng trăm lần mức lãi cho vay quy định pháp luật.
Nguyên Phó Chi cục trưởng Thi hành án dân sự Đà Lạt bị đề nghị truy tố
Cơ quan điều tra (CQĐT) Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao đã đề nghị Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) truy tố bị can Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Đà Lạt, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
CQĐT Viện KSND tối cao bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Thiện |
Vào năm 2009, vợ chồng bà Đỗ Thị Vân Hồng (TP. Đà Lạt) phải thi hành 8 quyết định thi hành án với số tiền hơn 318 triệu đồng. Để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, ngày 18/8/2009, Chi cục THADS TP. Đà Lạt tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản là căn nhà 21A Nguyễn Trung Trực (phường 4, TP. Đà Lạt) của vợ chồng bà Hồng. Thế nhưng, mãi đến ngày 11/5/2018, Chi cục mới thông báo việc xử lý kê biên căn nhà này; đồng thời thông báo đấu giá vào ngày 14/6/2019.
Từ ngày 15 - 17/5/2019, vợ chồng bà Hồng tất bật gom góp, vay mượn rồi mang hơn 318 triệu đồng đến Chi cục THADS TP Đà Lạt, gặp ông Nguyễn Ngọc Thiện (chấp hành viên) để nộp, nhưng ông này không nhận.
Sau nhiều lần gặp gỡ, đến ngày 22/5, ông Thiện mới nhận hơn 318 triệu đồng (án phí và tiền gốc phải thi hành án). Mặc dù bà Hồng đã nộp đủ số tiền phải thi hành án nhưng thật bất ngờ, 3 tuần sau, ông Thiện vẫn bán đấu giá nhà và đất của bà tại số 21A Nguyễn Trung Trực, tài sản đã kê biên thi hành án trước đó. Quá bức xúc, bà Hồng đã làm đơn tố cáo hành vi này của ông Thiện.
Sau khi nhận đơn tố cáo, CQĐT Viện KSND tối cao đã cử cán bộ đến TP. Đà Lạt điều tra, thu thập chứng cứ, giám định các tài liệu liên quan.
Ngày 10/10/2022, CQĐT Viện KSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Ngọc Thiện để điều tra làm rõ hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Ba ngày sau, CQĐT Viện KSND tối cao đã bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thiện để tiếp tục điều tra làm rõ vụ án.