Đạm Hà Bắc là một trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương. Ảnh: Minh Anh |
Tại buổi làm việc, ông Mai Tiến Dũng đã chỉ rõ 6 dự án thua lỗ của ngành công thương hiện đang bị “mắc kẹt” giữa nhiều khó khăn do có ký kết hợp đồng EPC với các nhà thầu.
6 dự án nêu trên là: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, Tisco, Đóng tàu Dung Quất, Công ty Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung và Thép Việt - Trung.
Theo ông Mai Tiến Dũng, 6 đại dự án thua lỗ của ngành công thương nêu trên đang gặp không ít vướng mắc lớn về pháp lý như: chưa thực hiện hết các hợp đồng EPC; tổng thầu chưa hoàn thành nhiều nhiệm vụ mà hai bên đã ký kết, trong khi quá trình thực hiện xây dựng có sự điều chỉnh về tổng mức đầu tư, điều chỉnh gói thiết bị hay thay đổi mức đầu tư của từng giai đoạn; thiếu một số thủ tục cần thiết khi ký hợp đồng và thực hiện dự án. Những vướng mắc này đã khiến hợp đồng dự án chưa thể được các bên liên quan quyết toán, dẫn đến chưa có căn cứ để thực hiện các phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ này.
Liên quan đến việc xử lý các dự án yếu kém, Báo cáo của Tổ công tác cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ tồn tại cho một số dự án ngành công thương đã ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo trực tiếp việc xử lý 12 dự án, nhà máy với 189 nhiệm vụ. Trong các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ luôn nhất quán tinh thần Nhà nước không bỏ thêm tiền ngân sách để “cứu” các dự án, nhà máy thua lỗ. Theo đánh giá, trong số 189 nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đã hoàn thành 120 nhiệm vụ. Trong đó, có 115 nhiệm vụ hoàn thành đúng hạn và 5 nhiệm vụ hoàn thành nhưng quá hạn. Hiện còn 54 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn trong hạn và có 15 nhiệm vụ đã quá hạn mà chưa hoàn thành.
Báo cáo của Tổ công tác cũng cho biết, quá trình tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhà máy thua lỗ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các bộ, ngành sử dụng các cơ chế, chính sách theo nguyên tắc thị trường; tính toán sự cần thiết, chi phí bỏ ra so với lợi ích thu về để các nhà máy này hoạt động trở lại sau thời gian dài ngưng trệ. Tuy nhiên, tới nay mới có Nhà máy Đạm Ninh Bình hoạt động trở lại với 80% công suất; những đơn vị khác như Xơ sợi Đình Vũ, Nhiên liệu sinh học miền Trung hiện vẫn chưa khởi động lại được vì những khó khăn liên quan tới vốn sản xuất.